Cách tội phạm mạng lợi dụng hoàn cảnh nhiều biến động hiện nay để thực hiện tấn công, cũng như mối đe dọa an ninh mạng khu vực Đông Nam Á trong năm 2021 vừa được các chuyên gia của Kaspersky tiết lộ.
Đông Nam Á là một trong những khu vực có người dùng hoạt động kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Hiện nay với 400 triệu người dùng trực tuyến, chiếm gần 70% dân số của khu vực, mọi người dân và doanh nghiệp, thậm chí với cả những người dùng trước đây không quan tâm đến kỹ thuật số, cũng đang chuyển dịch mọi hoạt động sang thế giới trực tuyến.
Bối cảnh này khiến bảo mật mạng trở nên quan trọng vì ngoài những người dùng Internet đã và đang nhận thức về sự cần thiết của an toàn dữ liệu, thì những người dùng mới được xem là nhóm dễ bị các mối đe dọa mạng tấn công nhất.
Theo các chuyên gia của Kaspersky, những lĩnh vực dưới đây cần cẩn trọng trong năm 2021 tại khu vực Đông Nam Á.
Số hóa
Năm 2020 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng dịch vụ và giao dịch thanh toán trực tuyến, kéo theo số người dùng có khả năng bị tấn công mạng ngày càng tăng.
Số lượng tấn công lừa đảo gia tăng trong nửa đầu năm 2020 và xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2021. Trong năm nay có rất nhiều mồi nhử xung quanh chủ đề Covid-19.
Tương tự, bảo mật vành đai sẽ là một lĩnh vực đáng chú ý trong năm 2021 khi mọi người tiếp tục làm việc tại nhà, kết nối với mạng công ty thông qua VPN.
Bầu cử
Nhìn chung, những chiến dịch tấn công mạng lợi dụng thông tin sai lệch đã tương đối sẵn sàng để triển khai, và các nhà nghiên cứu của Kaspersky nhận thấy những chiến thuật như vậy sẽ được tin tặc sử dụng ngày càng nhiều, nhất là khi các cuộc bầu cử đang đến gần ở nhiều quốc gia.
Các tác nhân đe dọa có thể đến từ cả bên trong và bên ngoài. Ngoài ra, do số lượng người dùng mạng xã hội và thiết bị di động ngày càng tăng, những chiến dịch như vậy có thể sẽ tác động lên quan điểm của người dùng nhiều hơn so với trước đây.
Triển khai 5G
Các nhà khai thác viễn thông ở Đông Nam Á cũng đang cố gắng theo kịp sự phát triển công nghệ 5G. Điều này một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu triển khai các giải pháp y học từ xa để hạn chế tiếp xúc trong tình hình dịch Covid-19. Năm 2021 sẽ là năm đẩy nhanh tốc độ triển khai những giải pháp này.
Mạng 5G được thiết kế để các tính năng hoạt động được chuyển sang phần mềm nhiều hơn phần cứng. Việc này sẽ tạo điều kiện xuất hiện nhiều bề mặt tấn công tiềm ẩn (số lượng các điểm dễ bị tấn công trong hệ thống máy tính), vì phần mềm được xem là dễ tiếp cận và dễ bị khai thác lỗ hổng bảo mật hơn.
Ngành y tế
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, các giải pháp theo dõi sức khỏe từ xa và tư vấn sức khỏe trực tuyến đang được đẩy mạnh.
Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều dữ liệu bệnh nhân được đưa lên môi trường trực tuyến, cũng như sự gia tăng của bề mặt tấn công trong toàn ngành y tế.
Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Nhiều nỗ lực tấn công nhắm vào lĩnh vực y tế khi xuất hiện những quy định mới, phương pháp điều trị mới và sự gia tăng số lượng nạn nhân tiềm năng khi trực tuyến cũng sẽ xuất hiện vào năm nay.
Ransomware
Các mối đe dọa ransomware ngày càng trở nên nguy hiểm, tinh vi và có chủ đích hơn, dù số lượng các cuộc tấn công ransomware trên toàn khu vực đã giảm trong thời gian gần đây.
Trong khi số tiền chuộc được yêu cầu có thể tiếp tục tăng, Kaspersky cho rằng các cuộc tấn công ransomware sẽ gia tăng do số lượng mục tiêu tiềm năng trong khu vực sẽ tăng lên, và do đó xu hướng hiện tại sẽ đảo ngược vào năm 2021.
Bảo mật đám mây
Ngày càng có nhiều công ty kết hợp nền tảng đám mây trong mô hình kinh doanh do sự tiện lợi và quy mô mà chúng mang lại.
Tuy nhiên, đây cũng là bề mặt tấn công tương đối mới và có xu hướng gia tăng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia.
Lượng lớn vi phạm dữ liệu trên cơ sở hạ tầng đám mây sẽ diễn ra nếu các công ty phạm sai lầm bảo mật và không triển khai các biện pháp an ninh mạng phù hợp. Đặc biệt, điều này thường xảy ra đối với những doanh nghiệp mới bắt đầu sử dụng nền tảng đám mây.
Hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS)
Trong năm nay, Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công ICS. Nhưng các quốc gia tại khu vực đã tập trung nhiều hơn để hạn chế những ảnh hưởng này.
Malaysia đã dành 1,8 tỷ RM cho chiến lược an ninh mạng quốc gia giai đoạn 2020-2024. Cơ quan Mã hóa Không gian mạng Quốc gia Indonesia (BSSN) cũng đang tích cực cải thiện chiến lược phục hồi không gian mạng bằng quan hệ đối tác với các quốc gia như Úc từ năm 2019.
Philippines cũng áp dụng chiến lược hợp tác với doanh nghiệp tư nhân để bảo vệ an ninh mạng hiệu quả hơn.
Thành quả của những sáng kiến như vậy sẽ phát huy hiệu quả vào năm 2021, khi các cuộc tấn công ICS giảm đi.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/bao-mat/moi-de-doa-an-ninh-mang-tai-dong-nam-a-nam-2021-702841.html